Monday, March 2, 2015

Đầu tư giá trị theo nguyên tắc của Benjamin Graham

Đầu tư giá trị là một tập hợp các nguyên tắc đầu tư được giới thiệu lần đầu tiên bởi Benjamin Graham khi ông biên soạn cuốn sách Phân tích chứng khoán (Security Analysis) vào năm 1934. Và người kế thừa thành công nhất những triết lý này không ai khác là Warren Buffett, nhà đầu tư vĩ đại, từng là người giàu nhất thế giới với khối tài sản hàng chục tỷ đô la.
Vậy cốt lõi triết lý đầu tư theo giá trị gồm những điều cơ bản gì? Theo Graham, việc đầu tư theo giá trị là các hoạt động đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu ít được chú ý trên thị trường do không hấp dẫn các nhà đầu tư và có giá cả thị trường thấp hơn giá trị thật của cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ cổ tức do doanh nghiệp mang lại.
Về mặt hình thức, các cổ phiếu dạng này khởi điểm không được các nhà đầu tư chú ý tới nên nó sẽ dẫn tới việc giá thị trường của cổ phiếu sẽ bị đẩy giảm xuống thấp hơn so với giá trị thật xét về cơ hội và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp phát hành chúng; nhà đầu tư theo giá trị sẽ chớp lấy thời cơ này, dựa trên việc xác định được giá trị thật của cổ phiếu thông qua việc phân tích tài chính, đánh giá doanh nghiệp trong nhiều mối tương quan và đầu tư vào chúng với kỳ vọng về giá trị do doanh nghiệp mang lại (thường là cổ tức) chứ không phải là bằng việc “lướt sóng”, hưởng chênh lệch giá trị thị trường.
Xem xét về lịch sử phát triển của triết lý đầu tư này, lịch sử thị trường chứng khoán đã ghi lại rất nhiều cái tên tầm cỡ thế giới thành công bằng việc áp dụng các triết lý này trong hoạt động đầu tư của họ và cũng chính họ là các minh chứng cho hiệu quả bền vững của triết lý đầu tư này.
Trong số họ, có thể kể đến một số các nhà đầu tư thành công nhất như: Warren Buffett, Charlie Munger, Walter Schloss, William J. Ruane, Irving Kahn, Charles Brandes, Mario Gabelli, Bruce Greenwald, Seth Klarman, John Templeman, Joel Greenblatt, Martin J. Whitman, và Max Heine – điểm chung của họ là đều áp dụng một cách sáng tạo các triết lý về đầu tư theo giá trị của Graham trong việc đầu tư. Và như tỷ phú Warren Buffett – người học trò thành công nhất của Graham – đã từng phát biểu: “Đi theo các triết lý của Graham tức là bạn sẽ có được các lợi ích từ sự điên rồ của thị trường hơn là việc bạn là một phần của sự điên rồ đó”.
Và điều gì đã làm nên thành công của triết lý này? Theo chính Graham, triết lý đầu tư theo giá trị có một số nguyên tắc và khái niệm là nền tảng cho mọi sự vận dụng trong hoạt động đầu tư và đây cũng là những điểm cốt lõi mà ông đã đúc kết từ việc ứng dụng triết lý đầu tư này trên thực tế.
Hai nguyên tắc đặc biệt nổi bật trong số các nguyên tắc này đó là:
  1. Luôn luôn đứng trên quan điểm mình là người chủ của doanh nghiệp khi phân tích về doanh nghiệp đó.
  2. Luôn luôn tính toán sự bất hợp lý của giá cả thị trường trong ngắn hạn để tìm ra giá trị thực sự của cổ phiếu trong dài hạn.
Hai nguyên tác này là điều mà bất cứ nhà đâu tư giá trị nào cũng không được phép quên trong quá trình đánh giá của một cổ phiếu ít được chú ý trên thị trường để mua, các nhà đầu tư theo giá trị cũng phải tuân theo các nguyên tắc bổ sung để xác định giá trị nội tại (intrinsic value)giá trị an toàn cận biên (margin of safety) cho cổ phiếu họ đang định đầu tư.
Nhìn chung lại, nếu bạn là một nhà đầu tư theo giá trị hay mong muốn trở thành một nhà đầu tư theo giá trị, bạn cần quan tâm đến các nguyên tắc đầu tư theo giá trị như sau:
  1. Hình thành thói quen tiếp cận, xem xét và xác định định giá trị thực của cổ phiếu theo quan điểm của một chủ sở hữu doanh nghiệp. Hãy tưởng tượng bạn đã sở hữu cả doanh nghiệp - bạn sẽ cảm thấy việc bạn mua cổ phiếu (một hình thái của chứng khoán) tương đương với việc bạn đang mua cho mình các quyền sở hữu của doanh nghiệp phát hành, và bạn sẽ luôn cẩn trọng trong việc đánh gía vì bạn đang muốn tìm hiểu xem tài sản của mình thực tế đang có giá trị là bao nhiêu.
  2. Luôn luôn giả định rằng thị trường đã đánh rớt giá cổ phiều của bạn xuống dưới mức giá trị thực của chúng, và luôn nhớ rằng giá cả không bao giờ liên quan đến giá trị thực tế của chứng khoán hoặc giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp bạn đang định sở hữu. Nếu chúng càng cách biệt, điều đó càng có lợi cho bạn vì bạn sẽ có thể bỏ ra ít tiền hơn để mua một doanh nghiệp có tiềm năng sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cả bạn mong đợi.
  3. Xác định giá trị nội tại của cổ phiếu, có thể là trên phạm vi rộng, và công việc này thường là việc bạn ước tính chúng vì việc tính toán giá trị nội tại theo mọi cách hiểu đều không phải là một môn khoa học chính xác.
  4. Xác định giá trị an toàn cận biên - nói theo cách khác, là giá tri thị trường của cổ phiếu đã thấp đủ để vượt qua bất kỳ sự rủi ro về mặt cảm tính (tâm lý thị trường) hoặc khi thị trường suy thoái - và hãy ra quyết định đầu tư thật dứt khoát khi tất cả các bằng chứng chỉ ra đây một sự đầu tư đáng giá trong dài hạn.

No comments:

Post a Comment